Là một trong những chất liệu vải được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, vải Rayon không chỉ được ứng dụng trong ngành công nghiệp may mặc mà còn được phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác. Hãy cùng Lì Ven tìm hiểu vải Rayon là vải gì và những ứng dụng tuyệt vời của loại vải này nhé.
Vải Rayon là gì?
Vải Rayon được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, chủ yếu là bột gỗ và những sản phẩm nông nghiệp được tái sinh dưới dạng sợi cellulose. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất chất liệu Rayon đòi hỏi cần phải có một số loại hóa chất nhất định nên nó được xem như là một loại sợi bán tổng hợp.
Trong ngành công nghiệp hiện nay, chất vải này còn được gọi với rất nhiều cái tên khác nhau như: tơ nhân tạo, tơ sợi, tơ hóa học,...
Ngoài Rayon, hiện nay trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại vải phổ biến khác như: Vải Linen, Kaki, Leather và Velvet,...được các tín đồ thời trang ưa chuộng sử dụng trong phong cách ăn mặc của mình.
Những đặc tính của chất liệu vải Rayon
Là một người mới tìm hiểu về lĩnh vực may mặc, hẳn là bạn sẽ cảm thấy mơ hồ về việc nhận biết các loại vải. Vậy nên sau đây, tụi mình sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vải Rayon là vải gì thông qua các đặc tính của nó.
So với những loại vải cao cấp khác, vải Rayon không hề kém phần sang trọng và có chất lượng khá cao. Song, vải Rayon có giá thành rẻ hơn so với đa số các loại vải khác trên thị trường nên chất liệu này rất được ưa chuộng trong ngành công nghiệp may mặc hiện nay.
Được sản xuất với các nguyên liệu chính có nguồn gốc tự nhiên nên vải tơ Rayon có đặc tính an toàn đối với người dùng và thân thiện với môi trường nhờ có khả năng phân hủy sinh học. Bên cạnh đó, loại vải này còn sở hữu những ưu điểm nổi bật khác như:
• Chất liệu mát, mềm mịn và có độ bóng mượt tương tự với chất lụa.
• Khả năng hút ẩm và thoáng khí tốt.
• Dễ nhuộm màu và tạo kiểu trong quá trình sản xuất.
• Dễ pha trộn với một số loại vải khác như linen, cotton…
Tuy nhiên, vải Rayon vẫn có một vài nhược điểm nhất định như:
• Khó bảo quản và vệ sinh, chất liệu này sẽ rất dễ bị co rút khi giặt không đúng cách.
• Độ bền màu của loại vải này không được đánh giá cao, dễ bị giãn làm mất form đồ và khó phục hồi lại.
• Khả năng giữ nhiệt kém hơn so với một số chất liệu vải khác.
• Dễ bị ẩm mốc do hấp thụ mồ hôi của cơ thể, nước và hơi ẩm trong không khí.
Các loại vải Rayon phổ biến
Hiện nay, trên thị trường có 3 loại vải Rayon được sử dụng phổ biến nhất bao gồm: Viscose, Lyocell và Modal. Cùng tụi mình khám phá về đặc điểm của từng loại vải này qua thông tin sau đây nhé.
Viscose
Viscose được sử dụng rất phổ biến trong ngành thời trang nhờ ưu điểm mềm mịn, thấm hút mồ hôi tốt, thoáng khí và giá lại thành rẻ. Ngoài ra, loại vải này còn có thể sử dụng cùng với các chất liệu khác như cotton, taffeta, nhung… Do khả năng giữ nhiệt của chất liệu này khá kém nên người ta chủ yếu dùng vải Viscose để may các loại trang phục mùa hè hay đồ đi biển.
Lyocell
Lyocell hay còn gọi là vải Tencel, là loại vải có giá thành đắt nhất trong các loại vải Rayon do nguyên liệu chính để sản xuất nó thường là loại gỗ bạch đàn đắt tiền. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất khép kín với công nghệ nano cũng là một nguyên nhân khiến loại vải này trở nên đắt đỏ hơn.
Lyocell có ưu điểm vô cùng thân thiện với môi trường và đây cũng là điểm cộng lớn nhất của chất liệu này. Nó có khả năng phân hủy hoàn toàn, dễ hấp thụ độ ẩm và đặc biệt là an toàn cho mọi loại da.
Modal
Modal còn có tên gọi khác là Rayon HWM, đây là loại vải bán tổng hợp với nguyên liệu sản xuất chính là các loại cây gỗ cứng, chủ yếu là cây sồi và bạch dương. Nhờ vậy mà vải Modal có những đặc điểm vượt trội như mềm mại, thoáng khí và đặc biệt có khả năng chống nhăn tự nhiên.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, loại vải này sẽ xuất hiện các sợi lông tơ trên bề mặt vải gây mất thẩm mỹ, đồng thời làm cho người mặc có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Đối với những người có làn da nhạy cảm thì nên cân nhắc trước khi sử dụng vải Modal vì nó có thể làm bạn bị dị ứng bởi một số hóa chất trong vải.
Ứng dụng của vải Rayon trong đời sống
Với những ưu điểm tuyệt vời mà tụi mình đã liệt kê ở trên, vải Rayon được ứng dụng vô cùng phổ biến trong đời sống của chúng ta với nhiều mục đích khác nhau bao gồm:
Sản phẩm may mặc
Là một chất liệu mềm mại, bền bỉ cùng độ rủ tuyệt vời, vải Rayon trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các sản phẩm váy, áo sơ mi, đầm suông…. Ngoài ra, với khả năng hút ẩm và thoáng khí tốt, vải Rayon cũng rất phù hợp để may các loại khăn choàng, cà vạt hay những trang phục thể thao, quần áo mùa hè, kurta và sari (một loại trang phục của Ấn Độ).
Đồ dùng nội thất
Nhờ khả năng thoáng khí, trọng lượng nhẹ và hút ẩm tốt vải Rayon cũng rất được ưa chuộng để sản xuất các loại đồ dùng nội thất trong gia đình như khăn tắm, rèm cửa, drap trải giường hay các đồ dùng để bọc.
Ứng dụng trong công nghiệp
Trong sản xuất công nghiệp, Rayon là một trong những loại vải khá phổ biến để làm ra các sản phẩm phẫu thuật y tế, sản phẩm không dệt,... Điển hình là việc sử dụng sợi tire cord để sản xuất các lốp xe ô tô hoặc băng phẫu thuật. Ngoài ra, Rayon còn được dùng để sản xuất các sản phẩm vệ sinh của phụ nữ nhờ khả năng thấm hút vượt trội.
Cách bảo quản vải tơ Rayon
Như đã nói, đây là một loại vải không dễ bảo quản. Do đó, để giữ cho các trang phục được làm từ chất liệu này được bền đẹp, bạn có thể tham khảo một số cách sau đây:
• Rayon là một loại vải có độ bền không cao nên khi giặt các trang phục làm từ chất vải này bạn nên sử dụng nước lạnh thay vì dùng nước nóng.
• Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa mạnh để tránh làm phai màu của trang phục hay làm hỏng cấu trúc vải.
• Nên phơi quần áo trên nền phẳng và không nên sử dụng móc treo để tránh vải bị kéo giãn hay nhão sau một thời gian sử dụng.
• Ngoài ra, tùy vào những loại vải Rayon khác nhau mà các nhà sản xuất sẽ đưa ra những hướng dẫn về cách sử dụng và bảo quản khác nhau. Do đó, bạn nên đọc kỹ những hướng dẫn này trước khi sử dụng sản phẩm.
Như vậy, trên đây là tổng hợp những thông tin về vải Rayon và những ứng dụng của chúng trong đời sống hàng ngày. Levents hy vọng bài viết này sẽ hữu ích trong quá trình tìm hiểu về thời trang của bạn. Đừng quên theo dõi tụi mình để cập nhật thêm nhiều kiến thức và xu hướng thời trang mới nhé.